TEDxTalk là một trong những ví dụ tiêu biểu của bất kì chương trình nào chia sẻ về các chủ đề liên quan đến kỹ năng Nói Trước Công Chúng hoặc Thuyết Trình. Đằng sau một phiên chia sẻ 20 phút ấy, đội ngũ huấn luyện diễn giả của TED phải luôn hỗ trợ, gợi ý những cách chuẩn bị, tập duyệt tốt nhất cho các Diễn giả, đảm bảo phần trình bày của họ được truyền tải hiệu quả và độc đáo nhất. Vậy những huấn luyện viên như Gina Barnett, Micheal Weitz và Abigail Tenenbaum của TED có những bí quyết gì dành cho các Diễn giả trước khi họ bước lên sâu khấu?
1. Uống nước 15 phút trước khi trình bày
Nếu bạn hay cảm thấy khô họng khi phải nói nhiều thì hãy uống một chút nước 15 phút trước khi bắt đầu. Bởi vì khi cổ họng bạn bị khô, khi nói trực tiếp vào micro, những âm thanh khi bạn nuốt nước bọt để làm dịu cổ họng sẽ lọt vào micro và khiến cho hiệu ứng âm thanh từ giọng nói của bạn truyền đi giảm đi đáng kể. Bên cạnh đó, khi bạn ngậm miệng lại, tránh để lưỡi bạn đụng vào vòm miệng phía trên để tránh những âm thanh nghe như tiếng chép miệng.
2. Chuẩn bị tâm lý phấn khởi
Trong những giây phút chờ đợi ngắn ngủi, hãy tận dụng nó để động viên bản thân bạn và tránh việc đặt những câu hỏi nhỏ nhỏ trong đầu như “Lỡ đâu mình quên ý A, B C,…”. Thay vào đó, hãy nói với chính mình rằng “Tôi đang rất hào hứng”, “Mọi người sẽ rất thích những gì tôi sắp nói”, “Tôi không thể chờ lâu hơn để chia sẻ với mọi người những điều này”, … Về cơ bản, hãy làm cho bản thân bạn thấy tự tin hơn với bất kì điều gì bạn tự nhủ trong những giây phút này trước khi lên sân khấu.
3. Hãy biết điều hướng cho nỗi lo trong bạn
Bạn biết đấy, khi bạn lo lắng, trong cơ thể bạn bỗng nhiên có một nguồn “năng lượng” đang chạy khắp cơ thể và nó làm bạn đứng ngồi không yên. Nếu bạn đã có sẵn nguồn năng lượng này trong người, hãy điều chỉnh hướng cho nó thực hiện những hoạt động làm bạn thấy phấn khích. Bạn có thể bắt tay người ngày đến người khác, hay đơn giản là tìm một góc trống không có ai phía sau sân khấu, đeo tai nghe và nhảy một chút như một trong những diễn giả của TED đã từng làm.
4. Tập trung điều hòa nhịp thở
Mọi người ai cũng bảo bạn hãy “Hít thở sâu” khi bạn lo lắng đúng không? Khi lo lắng hay hoảng sợ, hơi thở của chúng ta thường rất nông và ta không nạp vào đủ lượng oxy cho cơ thể, vì vậy mà càng lúc chúng ta càng thấy chóng mặt và khó chịu. Vậy thì, hãy làm điều ngược lại, điều hòa lại nhịp thở của bạn để khống chế nỗi sợ vô cớ đó. Chỉ cần sau 3 đến 4 nhịp thở đều đặn, bạn sẽ thấy mình trở nên tập trung hơn và thoải mái hơn để bắt đầu phần trình bày của mình.
5. Lưu ý những cử chỉ lập đi lặp lại một cách vô thức
Khi bạn lo lắng, cơ thể bạn có những cử chỉ được thể hiện rất vô thức như bạn liên tục chuyển trọng tâm cơ thể từ chân này sang chân khác, hay tay bạn bắt đầu đánh lên xuống, và thật sự thì mỗi người có mỗi kiểu hành động kì lạ khác nhau khi họ lo lắng. Những cử chỉ này rất dễ làm người nghe sao nhãng khỏi những gì bạn đang chia sẻ với họ. Làm sao để tránh điều này? Hãy tập thật nhiều lần trước mặt nhiều người và nhờ họ chỉ ra cho bạn khi nào bạn đang có những hành động kì lạ này và tự ý thức được để điều chỉnh lại cho phù hợp hơn.
6. Di chuyển có chủ đích
Bạn nên di chuyển trên sân khấu nhưng không nên đi dạo trên đó. Việc bạn đi qua đi lại một cách vô thức cũng như việc bạn đứng lắc lư trên sân khấu vậy, hoàn toàn không tốt chút nào. Vì vậy, hãy có kế hoạch cho việc di chuyển trên sân khấu, và mỗi lần di chuyển như vậy đều có mục đích tạo hiệu ứng nhất định đến người nghe. Một mẹo nhỏ từ huấn luyện viên Gina Barnett chính là bạn hãy lót báo lên sân khấu mỗi khi bạn tập luyện. Khi đó, bạn sẽ nhận thấy việc di chuyển vô thức có thể gây sao nhãng đến thế nào và sẽ chịu khó lên kế hoạch cho nó hơn.
7. Dùng âm vực giọng để nhấn mạnh những gì bạn nói
Bạn biết đấy, khi học ngoại ngữ, chúng ta buộc phải quan tâm đến việc nhấn nhá giọng nói. Một giọng nói đều đều rất dễ làm cho người nghe cảm thấy chán. Vì vậy, hãy đọc lại bài nói của bạn, ghi chú ra những chỗ nào bạn cần phải chuyển giọng (hạ thấp giọng, nhấn mạnh hay nhẹ nhàng) để truyền tải thông điệp hiệu quả hơn.
8. Để cho khán giả quen với “giọng” của bạn
Mỗi người đều có một giọng nói rất đặc trưng. Có thể bạn nói giọng Huế, Quảng Ngãi hay giọng của người miền Nam, miền Tây. Một số giọng nói do đặc tính vùng miền sẽ rất khó nghe. Vì vậy, ở những câu nói đầu tiên, hãy nói thật chậm và nhả chữ thật rõ ràng để cho người nghe có thể từ từ quen với giọng nói của bạn.
9. Tập trung vào những thứ xung quanh bạn
Một mẹo khác để bạn cảm thấy bớt lo lắng hơn khi trước lên sân khấu, chính là hãy bớt tập trung vào bản thân của bạn. Hãy để ý những gì đang diễn ra xung quanh bạn như có bao nhiêu người mặc áo màu hồng ngày hôm đó, mọi người đang mang giày gì, … Những quan sát này sẽ giúp làm bạn xao nhãng khỏi nỗi sợ của chính bạn.
10. Hãy nhớ rằng khán giả rất thích bạn
Dù cho khán giá có vẻ xa cách, đáng sợ thế nào thì họ sẽ luôn đứng về phe của bạn. Họ muốn bạn có phần trình bày thật tốt khi bạn trên sân khấu, họ muốn nghe những gì bạn sắp chia sẻ với họ.
11. Và cuối cùng, dù cho bạn đã chuẩn bị rất kỹ, thì hãy sẵn sàng đón nhận những điều không mong đợi xảy ra
Bạn có thể quên một từ nào đó, ai đó ở hàng ghế khán giả có thể nghe điện thoại lớn tiếng, có thể có sự cố kỹ thuật nào đó với Slide trình chiếu của bạn. Thế thì đã sao nào? Hãy ngưng một giây, thở sâu và tiếp tục.
Nguồn: TED Blog “A TED speaker coach shares 11 tips for right before you go on stage”
-H.D-
-H.D-